Giá sầu riêng đang bị đội lên gấp rưỡi trong vòng 1 tháng

Tại nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk cho biết giá sầu riêng tại vườn đang tăng gấp rưỡi trong vòng một tháng đẩy giá lên tới gần 100.000 đồng/kg điều này làm cho nhiều đầu mối xuất khẩu giảm thu mua vì lo thua lỗ.

Khảo sát tại các nhà vườn ở Đăk Lăk cho thấy giá sầu riêng đang được thương lái thu gom ở mức 75.000-100.000 đồng một kg (tùy loại), tăng 54% so với đầu tháng 7 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Bà Duyên, nhà vườn trồng sầu riêng ở Đăk Lăk cho biết dù được thương lái vào trả với giá 100.000 đồng một kg cho hàng Thái loại 1, bà vẫn chưa bán vì mong giá tăng thêm. “Nhà tôi có khoảng một ha, vụ thu hoạch năm nay có thể đạt 18 tấn”, bà Duyên nói.

Không chỉ bà Duyên, nhiều người dân ở khu vực Đăk Lăk được nhiều thương lái vào hỏi mua và trả giá cao nhưng vẫn chờ tăng thêm.

Vừa trồng kiêm thu mua sầu riêng xuất khẩu ở Đăk Lăk – bà Thanh Thảo nhìn nhận giá sầu riêng đang khó kiểm soát.

Vườn trồng của bà có 600 cây cho thu hoạch đợt này, sản lượng ước khoảng 80 tấn. Ngoài ra, bà đang mua sầu riêng Thái giá tại vườn ở mức 70.000-85.000 đồng một kg, Ri 6 khoảng 50.000-64.000 đồng một kg.

Theo bà Thảo, năm nay số lượng thương lái thu mua tăng vài lần so với năm trước. Nhiều người trước đây làm bất động sản cũng ồ ạt tới Đăk Lăk nâng giá để thu mua khiến thị trường “loạn giá”

Với giá tăng cao như hiện nay, bà Thảo lo ngại sẽ khó khăn trong việc đáp ứng đủ đơn hàng cho đối tác. “Vụ này, tôi chốt được đơn hàng xuất khẩu 200 container (3.000 tấn) sầu riêng cho đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, giá thu gom của tôi đang thấp hơn các thương lái khác nên chưa mua đủ hàng”, bà nói.

Chung lo lắng, đại diện Vạn Hòa Group cho biết giá sầu riêng Đăk Lăk đang bị thu mua theo kiểu “trào lưu”. Nhiều cò lái trước đây chưa từng thu mua sầu riêng cũng lấn sân sang và đẩy giá. Họ thu mua, sang tay bán lại rất nhiều.

Là đơn vị xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết giá sầu riêng chốt mua tại vườn ở mức trên 80.000 đồng một kg, doanh nghiệp chỉ dám mua cầm chừng.

Theo bà Vy, giá doanh nghiệp chốt trước đây với người dân từ 60.000-65.000 đồng một kg – mức này nông dẫn đã lãi cao. Thế nhưng, một tuần trở lại đây, giá được “thổi” cao khiến nông dân hủy cọc không tuân thủ nguyên tắc liên kết trước đó khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc mua sầu riêng trả đơn hàng xuất khẩu.

“Chúng tôi đang nhờ cơ quan chức năng can thiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Nếu cứ làm ăn chộp giật, hoạt động xuất khẩu trái cây khó bền vững lâu dài”, bà Vy nói.

Ông Vũ Đức Côn – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk nhìn nhận thị trường đang biến động. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do tình trạng “tranh mua, bán”.

Đồng quan điểm, CEO Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho rằng, đầu vụ sản lượng sầu riêng cho thu hoạch thấp cũng khiến giá đội lên cao. Ngoài ra, chất lượng sầu riêng Tây Nguyên đạt chuẩn thơm, ngon nên được giá.

Theo ông Côn, tuần qua, nhiều doanh nghiệp của Đăk Lăk đã thương thảo đơn hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với các đối tác. Phía Trung Quốc chỉ chấp nhận ký kết hợp đồng mua sầu riêng với giá không vượt quá 90.000-100.000 đồng một kg tùy loại. Đối chiếu mức giá ký kết này với giá bán sầu riêng tại vườn, việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu khó khả thi.

“Người nông dân cần tỉnh táo, đã đến thời điểm chốt giá sầu riêng. Nếu chạy theo giá sẽ ảnh hưởng hợp tác bền vững lâu dài. Năm sau, khi giá sầu riêng rớt, người chịu thiệt sẽ là nông dân”, ông Côn khuyến cáo.

Ông cho rằng thời điểm này, nếu nông dân và doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận về giá, cả hai phía sẽ cùng chịu thiệt hại. Sầu riêng chín rộ sẽ không thu hoạch kịp, còn doanh nghiệp sẽ phải đền bù hợp đồng cho đối tác, ảnh hưởng đến uy tín. Để phát triển bền vững, ông Côn cho rằng nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc liên kết tạo ra nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu, sao cho hài hòa lợi ích các bên.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đăk Lăk cho thấy, quy mô sầu riêng tại đây đạt trên 20.000 ha, năm nay cho sản lượng 220.000-230.000 tấn, tăng 22% so với năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 1,1 tỷ USD sầu riêng – sản lượng kỷ lục từ trước tới nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.


Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.