Tại sao bạn khó giảm mỡ bụng?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng béo bụng không thể giảm. Một trong số đó chính là do suy giảm nội tiết tố, ngủ ít, thường xuyên căng thẳng,,… khiến số đo vòng 2 của bạn cứ tăng mãi dù luyện tập hoặc thậm chí là nhịn ăn.

Béo bụng không chỉ làm giảm tự tin về vóc dáng mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe. Trong khi đó, mỡ bụng lại là phần mỡ dễ hình thành và rất khó để giảm. Nắm được các nguyên nhân gây béo bụng dưới đây sẽ giúp phụ nữ có thể loại bỏ mỡ thừa.

Quá trình phân giải mỡ

Theo tờ Cosmopolitan, trung bình, phụ nữ có lượng mỡ trong cơ thể cao hơn nam giới từ 6-11%. Các nghiên cứu cho thấy estrogen làm giảm khả năng đốt cháy năng lượng của phụ nữ sau khi ăn, dẫn đến nhiều chất béo được tích trữ khắp cơ thể.

Theo các nhà khoa học, cơ thể mỗi người có 2 dạng tế bào mỡ chính gồm: alpha và beta. Các tế bào alpha phản ứng tốt hơn và đẩy nhanh quá trình, trong khi các tế bào beta không phản ứng thuận lợi và khiến việc giảm mỡ khó khăn hơn. Do đó, phái đẹp dễ nhận thấy những thay đổi ở chân, mặt và cánh tay trước tiên khi đang tích cực cố gắng giảm mỡ, vì những vùng này có nhiều tế bào alpha hơn. Ngược lại, những vùng như hông, đùi và bụng có nhiều tế bào beta, dẫn đến khó giảm cân hơn.

Nội tiết tố thay đổi

Khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, họ khó giảm mỡ bụng hơn nhiều so với nam giới vì sự sụt giảm hormone estrogen. Ngay cả những phụ nữ không tăng cân sau khi mãn kinh cũng thường thấy vòng eo phát triển.

Các chuyên gia y tế cho biết, sự thay đổi này đã được chứng minh là có tác động đến sự phân bố chất béo, khiến nó tập trung quanh vùng bụng nhiều hơn là hông và đùi. Mỗi người khi già đi đều sẽ bắt đầu mất khối lượng cơ và tốc độ trao đổi chất giảm hơn nữa. Cả hai yếu tố này đều khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở vùng bụng. Vì vậy, người lớn tuổi có nhiều khả năng tích mỡ nói chung, bao gồm cả mỡ bụng.

Ăn sai chất béo

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated fat) và chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat) là nhóm chất béo tốt cho sức khỏe. Khi ăn trong giới hạn của chế độ ăn ít calo, hai loại chất béo này có thể giúp giảm mỡ bụng. Vì vậy, hãy bổ sung các loại thực phẩm có chất béo chất lượng cao này như cá hồi, dầu ô liu và bơ. Tránh các loại như thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo.

Căng thẳng kéo dài

Cơ thể căng thẳng sẽ tiết ra một loại hormone gọi là cortisol. Loại hormone này khiến các tế bào mỡ trưởng thành nhanh hơn và khuyến khích cơ thể tích trữ chất béo xung quanh các cơ quan nội tạng. Theo nghiên cứu từ Đại học Yale (Mỹ), những phụ nữ dễ bị căng thẳng có mức cortisol cao và nhiều mỡ bụng hơn những phụ nữ khác.

Do đó, các nhà khoa học khuyến khích mỗi người nên giảm căng thẳng để ngăn ngừa sự tích tụ mỡ nội tạng. Một số hoạt động tốt cho tâm trạng gồm: thiền, đi bộ ngoài trời và dành thời gian với bạn bè.

Thiếu ngủ

Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giảm mỡ bụng. Bởi vì khi ngủ cơ thể sẽ đốt cháy calo và mỡ thừa. Một nghiên cứu kéo dài 16 năm với gần 70.000 phụ nữ cho thấy những người ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có khả năng tăng 30 cân trở lên cao hơn 30% so với những người ngủ 7 tiếng.

Tập luyện sai cách

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe và giảm cân, nhất là chạy bộ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết nếu mỗi người chỉ tập các bài chuyên về tim mạch sẽ không mang đến hiệu quả giảm cân cho vòng 2. Ngoài ra, những bài tập dành riêng cho một vùng cơ thể như gập bụng cũng không mang đến giấc mơ “cơ bụng số 11”.

Vì vậy, mỗi người cần kết hợp giữa các bài tập tạ và rèn luyện tim mạch để đốt cháy calorie và giảm mỡ thừa. Cường độ mỗi tuần cần duy trì ở mức vừa phải với 250 phút hoặc mức cao khoảng 125 phút. Đồng thời, mỗi người cũng có thể thực hiện thêm bài tập chức năng sử dụng các cơ trong lõi như bụng, lưng, xương chậu, cơ xiên trong bụng… để tăng hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.


Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.