Trẻ ngủ ngáy cảnh báo bệnh nếu có các dấu hiệu này

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP CÁC THÔNG TIN NÀY.

Trẻ ngủ ngáy thường xuyên khiến giấc ngủ gián đoạn có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp thở do ngưng thở khi ngủ hoặc mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng.

Ngáy là âm thanh phát ra trong khi ngủ, xảy ra do sự rung động của các mô mềm trong miệng, mũi, vòm họng khi có luồng không khí đi qua. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hầu hết trẻ ngủ ngáy lành tính. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe.

Trẻ ngủ ngáy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bị tắc nghẹt mũi mạn tính, hàm nhỏ hoặc lẹm về phía sau. Cấu trúc đường mũi họng, amidan bất thường (phì đại amidan hoặc VA, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, khe họng hẹp, màn hầu thấp…) gây tắc nghẽn đường hô hấp trên. Bé mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi xoang, u vòm họng… cũng tăng nguy cơ ngáy.

Trẻ ngủ ngáy dễ bị rối loạn nhịp thở khi ngủ (SDB). SDB là thuật ngữ chung chỉ những vấn đề liên quan đến giấc ngủ, chủ yếu là ngáy và chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA). Tình trạng này nguy hiểm nhưng ít người biết, xảy ra ở một số trẻ em. Bệnh nhi bị ngưng thở, giảm thở nhiều lần trong khi ngủ do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn khi ngủ.

Bác sĩ Ngân cho biết OSA có thể xảy ra ở cả bé trai và bé gái trước tuổi dậy thì, trước đây thường gặp ở trẻ 2-8 tuổi. Do trong khoảng thời gian này, trẻ dễ mắc bệnh amidan, phì đại VA. Hiện nay, tỷ lệ trẻ béo phì tăng, môi trường ô nhiễm làm tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh mũi họng như viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi mạn tính… khiến nhóm trẻ mắc OSA tăng cao, xuất hiện nhiều ở trẻ trên 8 tuổi.

SDB khiến luồng không khí ra vào phổi trẻ bị hạn chế, gây giảm bão hòa oxy máu, rối loạn nhịp tim trong khi ngủ, dẫn đến những thay đổi chức năng, hành vi của não. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tăng động giảm chú ý, mệt mỏi sau ngủ dậy, đau đầu, mất tập trung, buồn ngủ vào ban ngày, giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, sa sút học tập, tăng nguy cơ mắc bệnh tim phổi, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa…

Trẻ mắc OSA có thể chậm phát triển do chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, phải thở nhiều hơn khi ngủ. Điều này làm gián đoạn mức protein-3 liên kết với yếu tố tăng trưởng giống insulin tuần hoàn. Bé mắc hội chứng này nguy cơ bị đột tử trong đêm.

Ngoài ngáy, các triệu chứng ngưng thở ở trẻ khi ngủ có thể là ngủ không yên giấc, hay thức giấc ngắn nhiều lần trong đêm, nghẹt mũi, ho hoặc nghẹn thở, thở bằng miệng, đổ mồ hôi ban đêm, tè dầm, hay gặp ác mộng khi ngủ. Trẻ nhỏ bị chứng OSA không phải lúc nào cũng ngáy mà có thể chỉ bị rối loạn giấc ngủ. Vào ban ngày, trẻ có thể không buồn ngủ mà trở nên hiếu động hơn, chậm tăng cân, kém chú ý.

Theo bác sĩ Ngân, không phải tất cả tình trạng ngáy ngủ ở trẻ em đều giống nhau. Những biểu hiện ngáy ngủ, ngưng thở, giảm thở diễn ra trong đêm, khiến ba mẹ khó quan sát, nhận biết tần suất và mức độ nghiêm trọng. Nhiều triệu chứng OSA có thể do vấn đề sức khỏe như bệnh lý tai mũi họng, dị dạng cấu trúc vùng mũi họng… nên không thể được chẩn đoán nếu chỉ dựa vào triệu chứng.

Để chẩn đoán ngủ ngáy, bác sĩ chỉ định trẻ thực hiện nội soi tai mũi họng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, đo chức năng hô hấp. Bé làm xét nghiệm đo nồng độ khí NO trong trong hơi thở ra (FENO), nhằm loại trừ nguyên nhân ngáy do bệnh tai mũi họng, hen suyễn.

Trẻ cần thực hiện đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ vào ban đêm khi ngủ. Bác sĩ gắn điện cực lên cơ thể bé. Từ đó, bác sĩ đánh giá nhịp thở, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, sóng não, nhãn cầu đồ, điện cơ, nhịp tim, cường độ, âm lượng tiếng ngáy, chuyển động của cơ thể, số lần thức giấc, huyết áp, nồng độ bão hòa oxy máu… để xác định chỉ số ngưng thở, giảm thở khi ngủ trong vòng một giờ (AHI). Ở trẻ dưới 13 tuổi, bất kỳ cơn ngừng thở hoặc giảm thở nào mỗi giờ đều bất thường, được chẩn đoán OSA.

Điều trị trẻ ngủ ngáy tùy theo tính chất ngáy ngủ, mức độ ngưng thở và thể trạng của trẻ. Nếu trẻ chỉ ngủ ngáy đơn thuần hoặc ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, có thể được chỉ định tập thể dục; thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm cân (nếu béo phì); kê cao đầu, nằm nghiêng khi ngủ. Nếu bé mắc các vấn đề mũi xoang, bệnh lý ở họng thì cần điều trị triệt để bằng thuốc. Nếu trẻ mắc chứng ngưng thở ở mức độ trung bình đến nặng có thể cần dùng đến dụng cụ hỗ trợ thở.

Trường hợp trẻ ngủ ngáy do bất thường vùng mũi họng như phì đại amidan hoặc VA, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, bất thường giải phẫu vùng hàm mặt do dị tật bẩm sinh… thì cần phẫu thuật. Theo bác sĩ Ngân, amidan và VA phì đại là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra OSA ở trẻ em. Phẫu thuật cắt bỏ amidan và VA là phương pháp điều trị đầu tay chữa khỏi bệnh này.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, kỹ thuật phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện Plasma, nạo VA bằng hệ thống Coblator, tạo hình vùng hầu họng, lưỡi gà với sự hỗ trợ của Coblator và tia laser (LAUP)… được thực hiện thường quy. Phương pháp có ưu điểm ít đau, giảm nguy cơ chảy máu, trẻ nhanh phục hồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.


Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.